RĂNG MIỆNG THAY ĐỔI NHƯ NÀO KHI BẠN GIÀ ĐI?

Nha khoa Hồng Hải: 4/38 Lý Thường Kiệt, Thị trấn Hóc Môn, TP.HCM

Nha khoa Bảo Thi: 15 Lê Văn Sỹ, Phường 13, Phú Nhuận, TPHCM

Email: [email protected]

Hotline: 0765 216 849

RĂNG MIỆNG THAY ĐỔI NHƯ NÀO KHI BẠN GIÀ ĐI?
Ngày đăng: 08/05/2023 11:03 AM

Nếu không được chăm sóc tốt, tuổi càng cao, răng miệng càng có nguy cơ lão hóa gây ra các tình trạng như viêm nha chu, khô miệng, mòn răng, xơ teo tủy răng,... ảnh hưởng lớn đến cuộc sống và sức khỏe người cao tuổi.

1. Răng miệng thay đổi như thế nào khi bạn già đi?

Bản chất của răng rất chắc khỏe, tuy nhiên theo thời gian, sau một quá trình dài sử dụng, răng có thể bị lão hóa, hư tổn. Tuổi càng cao, đặc điểm khoang miệng càng thay đổi, nguy cơ lão hóa răng miệng càng tăng. Các suy thoái răng miệng thường gặp là: mòn mặt nhai, xơ teo tủy răng, răng giòn dễ mẻ, ngà răng mất nước, tụt nướu, giảm tiết nước bọt, giảm chức năng nhai, mất răng...

Nếu vệ sinh răng miệng không tốt, người cao tuổi vẫn có nguy cơ bị sâu răng mới hoặc tái phát sâu ở thân răng, chân răng. Cùng với đó, khi cơ thể lão hóa, hệ miễn dịch suy giảm, người cao tuổi thường mắc nhiều bệnh. Việc sử dụng một số loại thuốc điều trị có thể gây các tổn thương khoang miệng như loét miệng, liken, nhiễm khuẩn,... Sự lão hóa răng miệng tạo điều kiện cho mầm bệnh xâm nhập và phát triển, không chỉ gây bệnh răng miệng, các tác nhân gây bệnh này còn có thể xâm nhập vào cơ quan hô hấp, nhiễm trùng máu,...đe dọa sức khỏe người cao tuổi.

2. Làm gì để chăm sóc tốt sức khỏe răng miệng ở người cao tuổi?

2.1. Đề phòng bệnh nha chu

Nha chu là phần mô nâng đỡ xung quanh răng, có chức năng chống đỡ, bảo vệ răng, giúp lưu giữ răng trong xương. Bệnh nha chu là bệnh răng miệng rất thường gặp ở người cao tuổi. Nguyên nhân chính của bệnh nha chu là do vệ sinh răng miệng kém, tạo điều kiện cho vi khuẩn tích tụ ở các mảng bám xung quanh răng, hình thành cao răng. Cao răng nhiều, lượng vi khuẩn tích tụ lớn sẽ gây viêm nướu, viêm dây chằng quanh răng, tiêu xương ổ răng,...

>> Xem thêm: Cạo vôi răng có đau không? Có tổn hại men răng không?

Các triệu chứng bệnh nha chu thường gặp khi cơ thể lão hóa là chảy máu nướu khi đánh răng, nướu sưng đỏ dễ chảy máu, răng lung lay, hôi miệng, răng di chuyển dần và thưa ra... Bệnh nha chu là một trong các nguyên nhân phổ biến gây mất răng ở người cao tuổi, ảnh hưởng lớn đến việc ăn uống, sinh hoạt. Để phòng ngừa bệnh nha chu, người cao tuổi cần chăm sóc tốt răng miệng. Đánh răng ít nhất hai lần một ngày kết hợp với dùng chỉ nha khoa. Khám răng miệng với nha sĩ theo định kỳ để lấy cao răng và các mảng bám bàn chải đánh răng không tiếp cận được. Bỏ các thói quen xấu như hút thuốc lá.

2.2. Đề phòng bệnh khô miệng

Nước bọt có vai trò rất quan trọng, giúp làm sạch răng và bảo vệ răng miệng khỏi bị sâu răng. Khi tuổi càng cao, cơ thể lão hóa, hệ thống trao đổi chất và miễn dịch suy yếu, cùng với đó người cao tuổi dùng nhiều loại thuốc gây nguy cơ cao mắc tình trạng khô miệng. Khi bị khô miệng, người cao tuổi sẽ tăng nguy cơ lở loét miệng, sâu răng, nứt môi, nhiễm nấm trong miệng, khó khăn trong ăn uống dẫn đến nguy cơ suy dinh dưỡng.

Để ngăn ngừa nguy cơ khô miệng, người cao tuổi cần uống nhiều nước, tăng cường ăn trái cây có nhiều nước, các thực phẩm lỏng như cháo, súp,... Người cao tuổi cũng có thể ngậm kẹo không đường hoặc nhai kẹo cao su không đường. Nếu người cao tuổi nghi ngờ các thuốc sử dụng là nguyên nhân gây khô miệng, hãy trao đổi với bác sĩ để thay đổi thuốc phù hợp.

Để ngăn ngừa khô miệng, bạn nên bổ sung đủ nước cho cơ thể

2.3. Chăm sóc tốt răng nhạy cảm

Tuổi càng cao, tình trạng mòn men răng, viêm nướu, sâu răng có thể khiến răng người cao tuổi nhạy cảm hơn. Khi răng nhạy cảm, người cao tuổi có thể bị đau, tê buốt răng khi sử dụng đồ ăn thức uống nóng, lạnh hoặc khi đánh răng quá mạnh.

>> Xem thêm: Mòn cổ chân răng là gì? Có nguy hiểm không?

Việc chăm sóc tốt răng miệng là cách phòng ngừa răng nhạy cảm tốt nhất. Đánh răng ít nhất hai lần mỗi ngày. Lựa chọn bàn chải đánh răng có lông mềm mịn, giúp chải sạch răng nhẹ nhàng, không tác động quá mạnh vào răng. Thay bàn chải thường xuyên, khoảng 2-3 tháng hoặc sớm hơn nếu bàn chải có dấu hiệu bị xơ. Dùng chỉ nha khoa để lấy mảng bám, thức ăn thừa trong các kẽ răng mà bàn chải không tiếp cận được. Nếu người cao tuổi có tình trạng răng nhạy cảm, nha sĩ sẽ giới thiệu loại kem đánh răng chuyên biệt và phương pháp điều trị để giúp người cao tuổi dễ chịu hơn.

2.4. Hạn chế thức ăn có hại cho răng

Người cao tuổi có nguy cơ cao mắc các bệnh lý răng miệng nếu thường xuyên sử dụng các thực phẩm gây hại cho răng như:

  • Bánh kẹo ngọt: lượng đường của những vụn bánh kẹo đọng lại trong các ngóc ngách miệng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tăng nguy cơ sâu răng. Người cao tuổi cần hạn chế tối đa nhâm nhi đồ ngọt hoặc các loại kẹo ngậm kéo dài.
  • Thực phẩm, trái cây có vị chua: các loại trái cây tươi ngon chứa nguồn vitamin C phong phú, giúp tăng cường sức khỏe hệ miễn dịch. Tuy nhiên, lượng axit trong trái cây có thể làm mòn men răng, khiến răng bị ê buốt và dễ bị sâu hơn. Bên cạnh đó, sử dụng nước ép trái cây càng có hại cho răng vì hầu hết các loại nước ép đều được cô đặc nên chứa lượng axit cao hơn trái cây thông thường. Ngoài ra, các thực phẩm lên men như cà muối chua, kim chi cũng có hàm lượng axit cao, không những ảnh hưởng đến men răng mà có thể ảnh hưởng đến các bộ phận khác của đường tiêu hóa.
  • Nước uống có ga: do chứa một lượng lớn đường và axit nên nước uống có ga gây ăn mòn, tổn hại men răng. Bên cạnh đó, nước uống có ga còn tăng nguy cơ khô miệng và làm xỉn màu răng.
  • Đồ uống có cồn: đồ uống có cồn gây giảm lượng nước bọt trong miệng, gây nguy cơ khô miệng.
  • Các thức ăn cứng: các thức ăn cứng có thể gây hại đến men răng, sứt mẻ, thậm chí có thể gây gãy răng. Thức ăn cứng có thể gây áp lực lên hệ thống khớp và cơ nhai, lặp lại thường xuyên có thể gây rối loạn hệ thống nhai như viêm khớp thái dương hàm.

Các loại nước có ga tăng nguy cơ sỉn màu răng

Để giảm nguy cơ mắc bệnh răng miệng ở người cao tuổi, cần thực hiện các thói quen ăn uống tốt cho răng như hạn chế ăn nhẹ giữa các bữa ăn chính, uống nhiều nước, vệ sinh răng miệng sau khi ăn. Nếu có dấu hiệu các bệnh lý răng miệng gây ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như chất lượng đời sống, người bệnh cần sớm đến các cơ sở y tế chuyên khoa để thăm khám và điều trị.

Để đặt lịch khám tại Nha Khoa Hồng Hải, Quý khách vui lòng bấm số HOTLINE  0282 206 8668 hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY. 

0
Chỉ đường
Zalo

0765 216 849